Chánh án Lê Thuần Phong: "Xét xử trực tuyến giúp nâng cao hiệu quả công tác, giảm bức xúc cho người dân" (Báo Công lý)

“Xét xử trực tuyến giúp Tòa án đẩy nhanh quá trình giải quyết vụ án, giảm thiểu sự tồn đọng đối với nhiều vụ án chưa sắp xếp giải quyết được,…Từ đó, nâng cao hiệu quả công tác, giảm gây bức xúc cho người dân”, đó là chia sẻ của Thẩm phán Lê Thuần Phong, Chánh án TAND quận 7, TP. Hồ Chí Minh với PV Báo Công lý khi nói về việc xét xử trực tuyến của đơn vị trong giai đoạn hiện nay.

Xét xử trực tuyến giúp nâng cao hiệu quả công tác, giảm bức xúc cho người dân (congly.vn)

PVThưa Chánh án, việc xét xử trực tuyến được nhận định sẽ là xu thế trong thời kỳ chuyển đổi số. Vậy Chánh án có chia sẻ gì về việc này?

Chánh án Lê Thuần Phong: Xét xử trực tuyến là một phương thức xét xử mới, sử dụng công nghệ thông tin, truyền thông để kết nối giữa Tòa án với các đương sự, người tham gia tố tụng ở những địa điểm khác nhau. Việc xét xử trực tuyến được nhận định sẽ là xu thế trong thời kỳ chuyển đổi số trong hệ thống TAND bởi nhiều lý do.

Đối với những người tham gia tố tụng, người dân, việc xét xử trực tuyến mang lại nhiều lợi ích như giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại cho đương sự, người tham gia tố tụng khác, cho phép luật sư xử lý một số lượng lớn các vụ việc và họ có thể tranh tụng tại bất kỳ tòa án nào ở bất kỳ vùng nào của đất nước. Ngoài ra, còn giúp tăng cường tính minh bạch, công khai của hoạt động xét xử, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận công lý tốt hơn.

Đối với Tòa án, xét xử trực tuyến góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động xét xử, giúp giải quyết nhanh chóng, kịp thời các vụ án, giúp giảm tải công việc cho Tòa án, tạo điều kiện cho Tòa án tập trung vào các vụ án phức tạp, quan trọng.

Tuy nhiên, để triển khai xét xử trực tuyến một cách hiệu quả, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở vật chất, trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin, truyền thông; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Tòa án về kỹ năng xét xử trực tuyến; xây dựng, ban hành các quy định, hướng dẫn về xét xử trực tuyến. Bên cạnh đó, cần phải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, công nghệ, vận hành và quản lý hệ thống tổ chức phiên tòa trực tuyến phải bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, dữ liệu tại Tòa án và tại cơ sở giam giữ.

Trong bối cảnh đã xảy ra dịch bệnh Covid-19 cũng như tiềm ẩn những nguy cơ về khủng hoảng, thiên tai, dịch bệnh, việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong hoạt động xét xử là điều cần thiết và chắc chắn sẽ trở thành xu thế trong tương lai.

PVThưa Chánh án, hiện TAND quận 7 đã chuẩn bị như thế nào cho quá trình chuyển đổi số của ngành?

Chánh án Lê Thuần Phong: Quá trình chuyển đổi số của ngành Tòa án là một quá trình phức tạp, đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nhiều mặt. Do đó, để có thể ứng dụng tốt công nghệ thông tin trong hoạt động của Tòa án, TAND Quận 7 đã phân chia theo nhóm đối tượng trong công tác chuẩn bị.

Về cơ sở vật chất, trang thiết bị, TAND Quận 7 đã tự chủ động chuẩn bị hệ thống máy tính, màn hình, camera, thiết bị âm thanh, hệ thống mạng internet tốc độ cao. Ngoài ra, TAND Quận 7 đã thực hiện quản lý án và phân công giải quyết án bằng hệ thống quản lý án của TANDTC. Hệ thống phần mềm quản lý của TANDTC không những giúp các cán bộ, công chức trong Tòa tiết kiệm thời gian thực hiện lưu trữ hồ sơ, mà còn giúp cho các Tòa án cấp trên có thể theo dõi, kiểm soát, chỉ đạo kịp thời đối với hoạt động của Tòa án cấp dưới.

Đồng thời, TAND Quận 7 cũng thường xuyên cập nhật những bản án đã có hiệu lực pháp luật trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án, thông qua đó thực hiện tính công khai, minh bạch trong hoạt động xét xử, tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân.

Về nguồn nhân lực, TAND Quận 7 tổ chức các buổi tập huấn, đào tạo đội ngũ Thẩm phán, Thư ký và các cán bộ khác trong Tòa án, bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, truyền thông trong hoạt động quản lý và xét xử vụ án. Điều này giúp việc sử dụng các công cụ kỹ thuật, công nghệ được thực hiện một cách đúng đắn, phù hợp, nhằm giúp các hoạt động trong Tòa diễn ra một cách đảm bảo.

PVThưa Chánh án, để xét xử trực tuyến được hiệu quả, yếu tố đường truyền, cùng đội ngũ nhân sự CNTT được đánh giá là yếu tố then chốt. Chánh án có ý kiến gì về việc này? Và đơn vị đã có kế hoạch gì cho việc phát triển đội ngũ nhân lực CNTT của Tòa án để phục vụ tốt cho quá trình chuyển đổi số?

Chánh án Lê Thuần Phong: Yếu tố đường truyền, cùng đội ngũ nhân sự CNTT được đánh giá là yếu tố then chốt để việc xét xử trực tuyến được hiệu quả là điều hoàn toàn chính xác. Bởi lẽ, để có thể vận hành việc xét xử trực tuyến cần phải thông qua mạng lưới đường truyền mạnh mẽ và ổn định. Trong một số trường hợp đường truyền không tốt sẽ gây gián đoạn cho việc xét xử, người tiến hành tố tụng, các đương sự và người tham gia tố tụng khác không thể trình bày, truyền đạt cũng như tiếp nhận rõ các thông tin trong vụ án. Điều này khiến cho hoạt động xét xử không được thực hiện đúng với bản chất của nó. Do vậy, yếu tố đường truyền cần phải được đảm bảo một cách tốt nhất.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều yếu tố khách quan gây ảnh hưởng đến đường truyền do đó cần thiết có đội ngũ nhân sự CNTT có trình độ tốt để có thể hỗ trợ kịp thời, đúng lúc, nhanh chóng khi xảy ra sự cố. Bên cạnh đó, đội ngũ CNTT còn có nhiệm vụ đảm bảo tính an toàn, bảo mật đối với các dữ liệu của Tòa án trong môi trường công nghệ thông tin mạng mang nhiều yếu tố phức tạp.

TAND Quận 7 hiện nay không có biên chế nhân lực CNTT, do vậy một số cán bộ công chức có kỹ năng, kiến thức CNTT phải kiêm nhiệm thêm một số nhiệm vụ cũng là một khó khăn, thách thức rất lớn.

PVThưa Chánh án, được biết hiện nay TAND quận 7 còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình xét xử trực tuyến, tuy nhiên đơn vị mình đã vượt qua những khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ của ngành đề ra, Chánh án có thể chia sẻ bí quyết để đơn vị mình có được sự thành công đó?

Chánh án Lê Thuần Phong: Xét xử trực tuyến vẫn còn là hoạt động khá mới đối với ngành đặc thù như Tòa án, nên đương nhiên khó có thể tránh khỏi những bỡ ngỡ, khó khăn trong khi tổ chức. Mặc dù đã có những văn bản hướng dẫn, tuy nhiên việc triển khai thực tế thường sẽ phát sinh nhiều vấn đề hơn, do đó đòi hỏi Tòa án cần phải có sự linh hoạt để kịp thời ứng biến với từng hoàn cảnh.

Thực tế đối với TAND Quận 7, đã gặp không ít những khó khăn trong những lần đầu tiên tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến, khó khăn đầu tiên là về cơ sở vật chất kỹ thuật còn thiếu, hiện nay do chưa được trang bị cơ sở thiết bị để tổ chức phiên tòa trực tuyến nên TAND Quận 7 phải tận dụng và tự trang bị một số trang thiết bị để đáp ứng việc tổ chức phiên tòa trực tuyến; hiện nay tiếp tục cải thiện hệ thống cơ sở vật chất đặc thù phục vụ cho các phiên tòa xét xử trực tuyến, cũng như nâng cấp trang thiết bị kỹ thuật, công nghệ, cải thiện chất lượng đường truyền.

Thứ hai là vẫn còn một số đội ngũ cán bộ, công chức còn ít am hiểu về công nghệ của lĩnh vực mới này, đây là rào cản về mặt nhận thức và kỹ năng làm ảnh hưởng đến quá trình triển khai thực hiện. Do đó, TAND Quận 7 đã thường xuyên, liên tục tổ chức các buổi tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng các cán bộ, công chức trong cơ quan giúp họ làm quen, nâng cao kỹ năng trong hình thức xét xử mới này. Bên cạnh đó, sau mỗi phiên xét xử, Tòa án tổ chức các buổi họp để đánh giá, nhận xét về hiệu quả của phiên tòa, để rút kinh nghiệm cũng như đưa ra những giải pháp cải thiện cho những phiên tòa sau.

PV: Thưa Chánh án, qua một thời gian đi vào triển khai cũng như nhiều phiên tòa xét xử trực tuyến được thực hiện, Chánh án có thể chia sẻ những ưu, nhược điểm, cũng như giá trị từ phiên tòa xét xử trực tuyến mang lại cho ngành Tòa án?

Chánh án Lê Thuần Phong: Việc triển khai phiên tòa xét xử trực tuyến đã mang lại nhiều ưu điểm đáng kể cho ngành Tòa án. Trong bối cảnh thời đại công nghệ 4.0 và hội nhập quốc tế, hầu hết các hoạt động trong nhiều lĩnh vực đã tiến hành thực hiện chuyển đổi số và thu được lợi ích đáng kể. Ngành Tòa án cũng không là ngoại lệ, theo đó phiên tòa xét xử trực tuyến còn được xem là xu thế của ngành.

Đối với hình thức phiên tòa truyền thống, các bên tham gia phải trực tiếp đến phiên tòa theo đó gặp không ít khó khăn trong việc thống nhất thời gian cũng như trong việc di chuyển khi khoảng cách địa lý là đáng kể. Tuy nhiên, phiên tòa trực tuyến đã khắc phục được những nhược điểm trên đồng thời tạo ra sự thuận lợi, tiết kiệm về mặt thời gian và chi phí cho các bên tham gia tố tụng cũng như cơ quan tổ chức phiên tòa. Ngoài ra, hình thức xét xử trực tuyến còn giúp cơ quan Tòa án đẩy nhanh quá trình giải quyết vụ án, giảm thiểu sự tồn đọng đối với nhiều vụ án chưa sắp xếp giải quyết được, từ đó nâng cao hiệu quả công tác, giảm gây bức xúc cho người dân.

Bên cạnh những ưu điểm mà phiên tòa xét xử trực tuyến mang lại, không thể phủ nhận những bất cập của hình thức xét xử mới này. Theo đó phải kể đến vấn đề thường xảy ra đó là sự cố hệ thống, đường truyền không đảm bảo, việc hiểu biết và kỹ năng sử dụng công nghệ của các bên tham gia, đặc biệt là trong trường hợp các đối tượng không quen thuộc hoặc không thoải mái với việc sử dụng công nghệ có thể ảnh hưởng đến quá trình xét xử, gây kéo dài thời gian và dẫn đến trì hoãn không mong muốn. Ngoài ra, việc truy cập các hệ thống trực tuyến có thể tạo ra rủi ro bảo mật nếu không có các biện pháp đủ mạnh mẽ để đảm bảo an toàn cho dữ liệu và thông tin quan trọng.

Phiên tòa xét xử trực tuyến đã mang lại nhiều giá trị quan trọng cho hệ thống tòa án trong việc thúc đẩy chuyển đổi số, góp phần vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu cải cách tư pháp hiện nay, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển, hội nhập quốc tế.

PV: Xin cảm ơn Chánh án!
- PV Mạnh Hùng -
(Báo điện tử Công lý ngày 19/12/2023)